Ảnh hưởng Văn Thành Công chúa

Chùa Đại Chiêu (Jokhang).

Cùng với Songtsen Gampo và một người vợ khác của ông là công chúa Nepal Bhrikuti Devi, Văn Thành công chúa được xem như là một trong những người đầu tiên đã đem Phật giáo tới với người Tạng. Tán phổ Songtsen Gampo đã cho xây dựng Jokhang (chùa Đại Chiêu) làm nơi đặt và thờ phụng tượng Phật Thích Ca mà Văn Thành công chúa đã mang tới Thổ Phồn, bản thân công chúa tương truyền cũng cho xây chùa Tiểu Chiêu và nhiều công trình Phật giáo khác, bao gồm chùa Tradruk tại Nêdong. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 11, Songtsen Gampo được nhìn nhận như là một Pháp Luân Thánh Vương, luân hồi của Quán Thế Âm Bồ Tát trong văn học Phật giáo [21], hai người vợ của ông đều được xem là hóa thân của Đa La Bồ Tát [22]. Người Tạng xem Bhrikuti như hóa thân của Lục Độ Mẫu còn Văn Thành công chúa được xem như hóa thân của Bạch Độ Mẫu.

Hiện nay, có rất nhiều nguồn sử liệu Trung Hoa nhận định rằng Văn Thành công chúa là người có vai trò văn hóa lớn, là cầu nối vững mạnh giữa Tạng và Trung Hoa khi đã đưa văn hóa Trung Hoa tới Thổ Phồn, ngoài ra người ta cũng công nhận những ảnh hưởng mang tính 「"Hán hóa"」 của bà trên đất Tạng, như việc ảnh hưởng vô hình khiến Songtsen Gampo cho con cháu quý tộc tới Trường An học tập thi thư, kết giao mạnh mẽ với nhà Đường.

Songtsen Gampo (giữa), Bhrikuti Devi (trái) và Văn Thành công chúa (phải).

Bản thân Văn Thành công chúa không có con, nhưng vua Thổ Phồn vì nhiều lý do mà thường tự xưng là hậu duệ của bà, xem thế hệ Tán phổ từ thời Songtsen Gampo là 「"Ngoại gia"」 của hoàng tộc họ Lý. Sách Cựu Đường thư có ghi lại bức thư sứ thần đi sứ Thổ Phồn sau khi gặp Kim Thành công chúa như sau:

  • 「"Ngoại sanh thị Tiên Hoàng đế Cữu túc thân, hựu mông hàng Kim Thành công chúa, toại hòa đồng vi Nhất gia, thiên hạ bách tính, phổ giai an lạc"; 外甥是先皇帝舅宿親,又蒙降金城公主,遂和同為一家,天下百姓,普皆安樂。」[23].

Không bàn đến đây là chủ ý của triều đình nhà Đường, hay là một cách ngoại giao mềm dẻo từ phía Thổ Phồn, sự ảnh hưởng của Văn Thành công chúa lên Tây Tạng đã rất sâu rộng, đến nỗi có thể khiến cả hai phía nhà Đường lẫn Thổ Phồn lợi dụng để đạt được mục đích chính trị của mình. Nhà thơ thời Đường là Trần Đào (陈陶) trong bài "Lũng Tây hành" (陇西行) của mình có bình luận:「"Tự tòng Quý chủ hòa thân hậu, nhất bán Hồ phong tự Hán gia"」[24], đây được cho là câu ám chỉ mà Trần Đào nói về việc hòa thân giữa triều Đường với Thổ Phồn.

Mang theo vấn đề chính trị, câu chuyện về Văn Thành công chúa gả cho Thổ Phồn có rất nhiều điển tích, một điển tích được biết đến nhiều nhất là Lục thí hôn sử (六试婚使), hoặc Lục nan hôn sử (六难婚使), tức "Sáu lần thi để cưới", một truyền thuyết được cho là bắt nguồn từ văn hóa Hán.

Theo truyền thuyết ấy, sứ giả của Songtsen Gampo là Lộc Đông Tán vượt qua 6 thử thách (hoặc 5 thử thách) do Đường Thái Tông đặt ra để hỏi cưới Công chúa cho Tán phổ. Truyền thuyết nói rằng, khi ấy ở Trường An có tới 5 vị sứ giả của 5 quốc gia, họ đều mang theo những lễ vật quý báu, muốn đón Công chúa triều Đường về làm dâu nước mình. Đường Thái Tông quyết định đưa ra mấy cuộc thi giữa các sứ thần xem ai thông minh nhất rồi sẽ quyết định[25]. Có 6 phần thi là:

  1. Luồn sợi dây tơ qua viên ngọc "Cửu khúc minh châu";
  2. Phân biệt một đàn ngựa gồm một trăm con ngựa mẹ và một trăm con ngựa con;
  3. Trong một ngày uống 100 vò rượu, ăn 100 con dê (một số bản bị lược bỏ);
  4. Giao cho nhóm sứ thần 100 đoạn cây tùng, phân biệt rễ và ngọn (một số bản bị lược bỏ);
  5. Ban đêm ra vào hoàng cung không lạc đường;
  6. Phân biệt trong nhóm Sĩ nữ rằng ai là Công chúa;

Trải qua các phần thi, Lộc Đông Tán thắng lợi và thành công đưa Văn Thành công chúa về Tây Tạng. Lại có truyền thuyết, Văn Thành công chúa trải qua đường đi khó khăn, giữa đường nhớ lời mẹ nhìn vào chiếc Kính được gọi là "Nhật Nguyệt bảo kính" (日月宝镜), hi vọng có thể như mẹ nói mà trông thấy được mẹ, nhưng thứ Văn Thành thấy được lại là khuôn mặt tiều tụy của chính mình. Tức giận, Văn Thành công chúa quăng chiếc kính xuống đất, từ chỗ ấy độn lên một ngọn núi mà ngày nay là núi Nhật Nguyệt (日月山; Riyue Mountain), một ngọn núi mà ngày nay ở Hoàng Nguyên, thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Những truyền thuyết này đều đem câu chuyện Văn Thành công chúa là tác nhân cho một sự kiện nào đó tại vùng đất Tây Tạng, cho thấy quá trình lưu truyền và mài giũa của văn hóa Hán đi theo cuộc hôn nhân của bà vào đất Tây Tạng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Văn Thành Công chúa //books.google.com/books?id=CIOozC4MXQ0C&pg=PA6 //books.google.com/books?id=Cw0pAwAAQBAJ&pg=PA204 //books.google.com/books?id=D96ifo76RZEC&pg=PA30 //books.google.com/books?id=KLNrqn4WLZYC&pg=PA186 //books.google.com/books?id=ZIDGAgAAQBAJ&pg=PA35 http://www.thlib.org/static/reprints/bot/bot_02_01... https://www.academia.edu/2579578/_The_Chinese_Prin... https://www.researchgate.net/publication/333283219... https://archive.org/details/tibetanempireinc0000be...